Ung thư vú phổ biến nhất ở phụ nữ lớn tuổi. Nhưng nếu bạn còn trẻ và bị ung thư vú, bạn có thể thắc mắc về việc ung thư vú ảnh hưởng đến khả năng sinh con của bạn hay có bất kỳ rủi ro nào khác không.
Nhiều phụ nữ vẫn có khả năng mang thai sau khi điều trị ung thư vú. Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị có thể làm cho bạn khó mang thai hơn. Vì vậy, bếu bạn muốn có con hay muốn giữ một lựa chọn mở cho bản thân về vấn đề này, thời điểm tốt nhất để nói chuyện với bác sĩ của bạn về điều này là trước khi bắt đầu điều trị ung thư vú.
Tôi có thể có con sau khi bị ung thư vú không?
Một số phương pháp điều trị ung thư vú có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ (khả năng sinh con). Ví dụ, hóa trị ung thư vú có thể làm tổn thương buồng trứng, đôi khi có thể gây vô sinh. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ vẫn có thể mang thai sau khi điều trị. Thời điểm tốt nhất để nói chuyện với bác sĩ của bạn về khả năng sinh sản là trước khi bắt đầu điều trị ung thư vú.
Mang thai và cho con bú có thể làm cho bệnh ung thư vú của tôi tái phát không?
Nhiều bệnh ung thư vú nhạy cảm với estrogen, do đó nồng độ hormone cao khi mang thai đối với những phụ nữ đã bị ung thư vú có thể làm tăng khả năng ung thư tái phát. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc mang thai không làm tăng nguy cơ ung thư tái phát sau khi điều trị thành công.
Cũng không có bằng chứng nào cho thấy việc cho con bú sau khi điều trị ung thư vú làm tăng nguy cơ tái phát. Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy việc cho con bú có thể làm giảm nguy cơ ung thư tái phát.
Tôi nên mang thai sau khi điều trị ung thư vú bao lâu?
Một số bác sĩ khuyên nên đợi ít nhất 2 năm sau khi điều trị ung thư vú xong rồi hãy có kế hoạch mang thai. Thời gian chờ đợi tốt nhất vẫn không rõ ràng, nhưng 2 năm được cho là đủ để phát hiện bất kỳ sự tái phát sớm của bệnh ung thư, là điều có thể ảnh hưởng đến quyết định mang thai của bạn.
Đối với phụ nữ bị ung thư vú dương tính với thụ thể hormone, thường được khuyến nghị liệu pháp hormone bổ trợ trong 5 đến 10 năm sau lần điều trị đầu tiên. Những người muốn có con trong thời gian này thường được khuyên nên dùng liệu pháp hormone ít nhất 2 năm trước khi ngừng để lên kế hoạch mang thai (và tiếp tục liệu pháp sau khi sinh con).
Lưu ý là lời khuyên về việc chờ đợi 2 năm không dựa trên dữ liệu từ bất kỳ thử nghiệm lâm sàng nào. Và một số bệnh ung thư vú có thể tái phát sau 2 năm, vì vậy mỗi trường hợp đều khác nhau. Quyết định của bạn phải dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm tuổi tác, mong muốn mang thai, loại ung thư vú và nguy cơ ung thư tái phát sớm.
Nếu tôi có thai, liệu tiền sử ung thư vú của tôi có gây nguy hiểm cho con tôi không?
Không có bằng chứng nào cho thấy phụ nữ đã từng bị ung thư vú có bất kỳ ảnh hưởng trực tiếp nào đến con của họ. Các nhà nghiên cứu không tìm thấy tỷ lệ dị tật bẩm sinh gia tăng hoặc các mối lo ngại về sức khỏe lâu dài khác ở trẻ em sinh ra từ những phụ nữ bị ung thư vú.
Điều trị ung thư vú có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Nếu bạn vẫn đang điều trị bất kỳ loại ung thư vú nào, bao gồm hóa trị, liệu pháp hormone hoặc liệu pháp đích, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi lên kế hoạch mang thai. Những loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến thai nhi đang phát triển, vì vậy sẽ an toàn hơn nếu bạn đợi đến khi điều trị xong rồi mới mang thai. Điều quan trọng cần nhớ là ngừng điều trị sớm có thể làm tăng nguy cơ ung thư phát triển hoặc tái phát.
Tôi có thể cho con bú sau khi điều trị ung thư vú không?
Nếu bạn đã phẫu thuật vú và / hoặc xạ trị, việc cho con bú có thể bị ảnh hưởng. Các nghiên cứu đã chỉ ra việc giảm tiết sữa ở vú cũng như những thay đổi về cấu trúc có thể làm bạn thấy đau khi cho bú hoặc khiến trẻ khó ngậm vú hơn. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ vẫn có thể cho con bú.
Nếu bạn vẫn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào để điều trị ung thư vú (chẳng hạn như liệu pháp hormone), điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ trước khi muốn cho con bú. Một số loại thuốc có thể đi vào sữa mẹ và có thể ảnh hưởng đến em bé.
Trao đổi với bác sĩ của bạn
Nếu bạn đã hoặc đang bị ung thư vú và đang nghĩ đến việc có con, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về cách điều trị có thể ảnh hưởng đến cơ hội mang thai cũng như nguy cơ tái phát của bạn. Trong nhiều trường hợp, tư vấn có thể giúp bạn sắp xếp các lựa chọn ưu tiên và lập kế hoạch mang thai.